Lượt xem: 462

Sóc Trăng quyết liệt trong công tác chống khai thác IUU

Sau 5 năm, những vấn đề liên quan đến công tác tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) vẫn luôn là câu chuyện thời sự rất được quan tâm của ngành thủy sản Việt Nam. Đây cũng là  một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các tỉnh, thành ven biển. Xác định rõ việc tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cần có sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa nhiều tỉnh, thành phố, tại Sóc Trăng, nhiều giải pháp vẫn đang được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt thông qua việc phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng đơn vị và các địa phương có liên quan. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 6 năm 2023.

 


Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra trên biển.

 

    Xác định rõ, thiết bị giám sát hành trình là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý tàu cá, đặc biệt là giúp chủ tàu và ngư dân xác định rõ phạm vi đánh bắt để tránh xảy ra trường hợp phương tiện xâm phạm vào vùng biển nước ngoài, Chi cục Thủy sản phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông đã tăng cường tổ chức kiểm tra tình trạng kết nối của các thiết bị nhằm xác định rõ nguyên nhân xảy ra lỗi mất kết nối, từ đó yêu cầu đơn vị cung cấp kịp thời hỗ trợ người dân sửa chữa, khắc phục. Tính đến nay, 100% tàu cá có chiều dài trên 15m của tỉnh đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, việc cung cấp các dịch vụ được đảm bảo liên tục, hiệu quả. Các trường hợp mất kết nối chủ động (do tác động của con người) cũng được cơ quan chuyên môn tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng chí Lư Tấn Hoà – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành công văn yêu cầu các tỉnh, thành ven biển tăng cường giám sát đối với các thiết bị này, tăng cường công tác phối hợp để có sự trao đổi, thông tin giữa các tỉnh đối với các phương tiện thường xuyên bị mất kết nối để có hướng hỗ trợ, xử lý theo quy định. Trong năm 2022 đơn vị cũng đã thực hiện xử phạt 8 trường hợp cố tình tháo gỡ, ngắt kết nối. Thời gian tới vấn đêề này sẽ được chúng tôi đẩy mạnh kiểm tra, xử lý bằng các biện pháp mang tính răn đe hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng này”.

    Ngoài tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra đột xuất trên biển về những nội dung liên quan đến giấy phép, nhật ký khai thác và công năng hoạt động của phương tiện..., công tác tuyên truyền cho cộng đồng ngư dân về những nội dung liên quan đến các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu đối với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định cũng được các đơn vị phối hợp triển khai bằng nhiều hình thức phong phú với đa dạng cách thức tiếp cận. Nổi bật là tổ chức những buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo đầu ngành với chủ tàu và bà con ngư dân.

    Quán triệt có hiệu quả các văn bản, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như cụ thể hóa Kế hoạch 277, ngày 19/01/2023 của Bộ Tư lệnh Bộ Đội Biên phòng về nhiệm vụ chống khai thác IUU, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã chỉ đạo các đồn, trạm, hải đội tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và Luật Thủy sản 2017 đến ngư dân tham gia hoạt động nghề cá. Đồng thời, đến tận nhà để tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện và thuyền trưởng ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Thượng tá Hà Thế Hữu -  Phó Tham mưu trưởng, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Chúng tôi cũng phân công đảng viên các đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động cho bà con ngư dân ký bản cam kết. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng như các đơn vị đứng chân trên địa bàn tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản đối với các phương tiện có nguy cơ cao để kịp thời quản lý, theo dõi. Tiếp tục trao đổi với Hải quân vùng 2 và Cảnh sát Biển vùng 4 trong công tác nắm tình hình trên biển, đặc biệt là các phương tiện của bà con ngư dân đang đánh bắt trên biển để kịp thời thông tin, trao đổi cho nhau, để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở khi phát hiện có phương tiện giáp ranh vùng biển nước ngoài. Kiên quyết không cho các phương tiện xuất/nhập bến khi thiếu thủ tục hành nghề hoặc các trang thiết bị theo quy định của pháp luật”.

    Công tác tuyên truyền đã tác động tích cực đến nhận thức của nhiều ngư dân. Đến nay, có 368 tàu cá đánh bắt xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài cũng như những quy định liên quan chống khai thác IUU, 100% tàu cá ra/vào cảng đều thực hiện khai báo theo quy định và cơ bản chấp hành tốt việc ghi chép nhật ký khai thác. Qua 5 năm, đã cấp 1.294 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác với khối lượng hơn 19.500 tấn, thực hiện cấp 740 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác với tổng sản lượng gần 81.500 tấn. Cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 1 Cảng cá và 388 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.

    Những nội dung liên quan kết luận của Đoàn kiểm tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những tồn tại, hạn chế đối với công tác chống khai thác IUU hiện vẫn đang được UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, chỉ đạo bộ phận quản lý, điều hành Cảng cá Trần Đề chú trọng công tác theo dõi, rà soát để kịp thời cảnh báo những tàu cá có nguy cơ cao. Phấn đấu thực hiện có hiệu quả Kế hoạch “180 ngày hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Về phía tỉnh cũng chỉ đạo các ngành rà soát lại toàn bộ đội tàu của tỉnh, thống kê lại việc cấp phép đăng kiểm và chứng nhận khai thác thủy sản, đảm bảo lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá từ 15m trở lên. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp cố ý ngắt kết nối trong quá trình hoạt động. Các tàu khi khai thác phải đảm bảo ghi nhật ký khai thác đầy đủ, như vậy các cơ quan chức năng mới có điều kiện xác nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu. Các cấp, các ngành, đặc biệt là những địa phương quản lý những đội tàu phải tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân và thuyền viên, chủ phương tiện. Tỉnh làm tốt được những nội dung này thì sẽ góp phần cùng với Trung ương sớm tháo gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu EC”.

    Ngoài tiềm năng lớn ở lĩnh vực nuôi trồng, Sóc Trăng còn có thế mạnh trong lĩnh vực khai thác thủy sản với đội tàu đánh bắt gần 1.000 chiếc. Sản lượng thủy sản khai thác hng năm của tỉnh hiện chiếm trên 70.000 tấn, hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển cũng là ngành nghề gắn bó từ rất lâu đời của hàng chục ngàn hộ dân sinh sống tại những địa phương ven biển. Vì vậy, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định không chỉ góp sức cùng cả nước nhanh chóng tháo gỡ thẻ vàng để “khơi thông” xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Châu Âu mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc lập lại trật tự ở lĩnh vực khai thác, đánh bắt. Từng bước phát triển nghề cá của tỉnh nhà theo hướng bền vững, hiện đại.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 212
  • Trong tuần: 70,639
  • Tất cả: 11,802,646